top of page
Tìm kiếm

Chính sách cư trú và quốc tịch của chính phủ mới ở Đức

Ảnh của tác giả: Nguyen Huu TrangNguyen Huu Trang

Đã cập nhật: 16 thg 7, 2023

Trong tuần này Đức sẽ có Chính phủ mới của Liên minh Đảng dân chủ xã hội (SPD), Đảng Xanh (Grüne) và Đảng dân chủ tự do Đức (FDP), còn được gọi là „Liên minh đèn giao thông“ với Thủ tướng Olaf Scholz (SPD) đứng đầu.


Vừa qua Liên minh này đã thông qua „Thỏa thuận liên minh 2021-2025“ (Koalitionsvertrag 2021-2025) với tiêu đề „Liên minh vì Tự do, Công bằng và Bền vững“.

Đại diện các đảng trong Liên minh “Đèn giao thông” công bố Thỏa thuận liên minh 2021


(ảnh Handelsblatt)


Đáng chú ý là những dự định khá cởi mở đối với một số vấn đề mà từ xưa đến nay vẫn bị coi là „bảo thủ“ như vấn đề nhập cư, cư trú của người nước ngoài, tỵ nạn và đặc biệt là vấn đề quốc tịch.


Nhìn lại quá khứ và hiện tại


Từ khi thành lập năm 1949 đến nay và kể cả khi còn Nhà nước CHLB Đức ở phía Tây thì chủ trương nhất quán của tất cả các chính phủ không kể thuộc liên minh nào là khẳng định nước mình không phải là một nước nhập cư. Những đợt nhận lao động từ Thổ Nhĩ kỳ và các nước Châu Âu khác sang giúp tái thiết sau chiến tranh đều gắn với một bảo lưu là họ chỉ đến Đức lao động có thời hạn và sẽ quay trở lại nước gốc khi hết hợp đồng. Luật về người nước ngoài (Ausländergesetz) dù đã nhiều lần sửa đổi, nhưng luôn khẳng định ngay từ lời nói đầu „Đức không phải là nước nhập cư“.


Sau thống nhất năm 1990, ngày càng nhiều người nước ngoài đến và cư trú ở Đức dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó có cả những lao động Việt Nam trước đây sang Cộng hòa dân chủ Đức lao động, học tập theo các Hiệp định Chính phủ, thân nhân gia đình họ và những người đến từ những nước Châu Âu khác.


Theo thống kê của Cục thống kê Liên bang (Destatis), đến cuối năm 2019 có 11,2 triệu người đang cư trú ở Đức nhưng không có quốc tịch Đức, chiếm đến 13,5% dân số. Năm 2020 có đến 21,9 triệu người có gốc gác nước ngoài, chiếm 26,7% dân số. Trong số này những người mang quốc tịch nước ngoài là 11,4 triệu. Đó là chưa kể 1,86 triệu người coi là tỵ nạn được đăng ký tại Trung tâm đăng ký thống kê người nước ngoài (AZR) đến thời điểm cuối năm ngoái.


So sánh: tỷ lệ người nước ngoài năm 1991- một năm sau thống nhất- là 7,6%, đến năm 2000 là 8,8%. Con số này đến cuối năm 2020 đã tăng lên 12,7% (de.statista.com).


Con số 11,4 triệu người dù đã sinh sống ở Đức từ lâu, thậm chí sinh ra ở Đức những vẫn giữ quốc tịch nước ngoài cũng cho thấy thái độ e ngại của họ khi phải từ bỏ quốc tịch gốc nếu muốn nhập quốc tịch Đức. Luật quốc tịch Đức khởi đầu từ „Luật quốc tịch Đế chế và Nhà nước“ (Reichs-und Staatsangehörigkeitsgesetzt) ngày 22/7/1913 theo nguyên tắc huyết thống (jus sanguinis) và nguyên tắc một quốc tịch khá triệt để, dù hơn một thế kỷ qua đã nhiều lần được điều chỉnh, sửa đổi. Thực tế ở Đức cũng cho thấy khá nhiều ngoại lệ trong giải quyết các vấn đề quốc tịch và nhập tịch.


So sánh với các nước Châu Âu thì chỉ ở những nước nhỏ tỷ lệ người nước ngoài mới cao hơn Đức, như Luxemburg (47,29%), Lichtenstein (34,23%), Thụy sĩ (25,25%), Áo (16,51%) v.v. Trong số những nước lớn thì Đức đứng đầu, sau đó đến Tây Ban nha (11,04%), Anh (9,26%), Pháp (7,63%) (theo De.statista).


Với số liệu như trên mà vẫn khẳng định Đức không phải là nước nhập cư thì có vẻ xa rời thực tế và không phản ánh đúng sự phát triển trong thời kỳ mới. Đó cũng là lý do mà „Liên minh đèn giao thông“ muốn thay đổi trong nhiệm kỳ bốn năm tới.


„Thống nhất trong đa dạng“ (Einheit in Vielfalt)


Để cộng đồng người nước ngoài và gốc nước ngoài không cảm thấy bị xã hội Đức đẩy ra lề và tạo nên một „xã hội song hành“ („Parallelgesellschaft“) như tình trạng hiện nay ở nhiều nơi, Chính phủ mới nhấn mạnh sự cần thiết phải tạo điều kiện để cộng đồng này hiện diện và tham gia nhiều hơn nữa vào cuộc sống xã hội nơi họ cư trú. Tiến tới có thể sẽ ban hành Luật về vấn đề này với mục tiêu „thống nhất trong đa dạng“.


Bên cạnh đó việc tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài đến Đức nghiên cứu hay học nghề còn giúp tăng cường tiềm năng cho vị thế của nước Đức về kinh tế và nghiên cứu khoa học. Chính phủ mới cũng sẽ xây dựng chiến lược nhằm gìn giữ sự thống nhất xã hội, khuyến khích dân số và chống lại chủ nghĩa cực đoan, trong đó có các hành động cực đoan trên không gian mạng nhằm vào các đối tượng Do Thái, Di- gan, phân biệt chủng tộc, bài xích Hồi giáo, phụ nữ và những người khác quan điểm.


Chính phủ cũng mong muốn một sự khởi đầu mới cho chính sách nhập cư và hội nhập theo hướng của một nhà nước nhập cư hiện đại, hạn chế di cư trái phép và tạo thuận lợi cho di cư hợp pháp.


Tăng cường số hóa và đẩy nhanh việc cấp thị thực sẽ giúp việc nhận thị thực nhập cảnh Đức đơn giản và nhanh chóng hơn hiện nay. Và cũng nhằm tạo thuận lợi cho việc lưu chuyển lao động liên quốc gia, việc cư trú ở nước ngoài sẽ không dẫn đến việc mất cư trú ở Đức. Hiện nay dù đã có quy chế cư trú dài hạn nhưng nếu ở nước ngoài quá 6 tháng sẽ bị mất cư trú của Đức. Mục tiêu tương lai sẽ hợp nhất những quy định về nhập cư và cư trú của người nước vào trong một „Bộ luật về nhập cư và cư trú“ thống nhất, dễ áp dụng và không mâu thuẫn với các quy định khác.


Những thanh niên tỵ nạn nếu hội nhập tốt thì sau 3 năm sẽ được cư trú hợp lệ và cho đến năm 27 tuổi sẽ có thể được quy chế cư trú dài hạn. Đối với những người được „tạm dung“ (Duldung) nếu có thành tích đặc biệt về hội nhập có thể được cư trú dài hạn sau 6 năm hoặc 4 năm (đối với gia đình). Việc này mở ra cơ hội cho nhiều người tỵ nạn hiện nay đang trong quy chế pháp lý bấp bênh sẽ được ổn định cư trú. Đối với những người nước ngoài không có giấy tờ chứng minh nhân thân có thể thay vào đó là bảo đảm bằng „lời tuyên thệ“ („an Eides statt“) và việc này sẽ được bổ sung trong Luật ngoại kiều. Những trường hợp có đủ điều kiện cư trú thì cùng với quy trình xem xét đơn tỵ nạn họ sẽ cũng được xem xét cấp giấy phép lao động.


Sửa đổi Luật quốc tịch theo hướng hiện đại


Mục tiêu của Liên minh mới là xây dựng quy định cởi mở và hiện đại hơn về vấn đề quốc tịch. Đây cũng là một trong đề tài nóng trong suốt nhiều thập kỷ qua và thậm chí còn trở thành đề tài tranh cãi trong các đợt vận động tranh cử ở Liên bang hay các bang.


Hai dự định điều chỉnh lớn:


Một là, mở rộng nguyên tắc xác định có quốc tịch Đức. Đức vốn có truyền thống xác định quốc tịch theo nguyên tắc huyết thống; nguyên tắc nơi sinh (jus soli) vốn chỉ áp dụng rất hạn chế, chẳng hạn đối với trẻ em mới sinh ra được tìm thấy trên lãnh thổ Đức („trẻ nhặt“ „Findelkind“). Đầu những năm 2000 có mở rộng cho trẻ em sinh ở Đức và có bố mẹ là người nước ngoài cư trú dài hạn ở Đức, nhưng đến một lứa tuổi nhất định phải lựa chọn giữa quốc tịch Đức hoặc quốc tịch gốc của cha mẹ.


Dự kiến điều chỉnh sẽ là: trẻ em sinh ra ở Đức, có bố mẹ là người nước ngoài sẽ có quốc tịch Đức ngay từ khi sinh, nếu bố hoặc mẹ đã cư trú hợp pháp từ 5 năm ở Đức. Về lâu dài đối với những thế hệ tương lai Chính phủ sẽ xem xét không để quốc tịch nước ngoài cứ truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác (đối với những người đang sinh sống ở Đức). Đây là điểm khá mới ngay đối với khoa học pháp lý về quốc tịch.


Hai là, sẽ tạo thuận lợi và đơn giản hóa thủ tục nhập quốc tịch Đức. Theo quy định hiện nay người nước ngoài cư trú liên tục, hợp pháp ở Đức trong 8 năm thì có thể được nhập tịch. Nay điều kiện cư trú sẽ giảm xuống còn 5 năm và trong trường hợp đương đơn đã hội nhập tốt thậm chí chỉ cần 3 năm cư trú là đã được nhập quốc tịch. Thời gian để có thể xin cư trú dài hạn sẽ được rút xuống là 3 năm cư trú hợp lệ.


Điều đặc biệt lần này là những quy định hướng tới thế hệ những lao động nhập cư sang Đức trong thập niên 60 thế kỷ trước, đặc biệt là người Thổ Nhĩ kỳ. Theo Hiệp định về lao động giữa Đức và Thổ năm 1961. Đến năm 2018 có khoảng 3 triệu người Thổ sinh sống ở Đức và một nửa trong số đó không có quốc tịch Đức (năm 2020 là 1.461.910 người). Một trong những lý do cản trở những lao động Thổ và thân nhân của họ không nhập quốc tịch Đức là họ không vượt qua các kỳ thi về tiếng Đức do đa số là lao động phổ thông không được học tiếng Đức trước khi sang lao động và sinh sống.


Lần này „Liên minh đèn giao thông“ quan tâm hơn đến đối tượng này, giúp họ hội nhập hoàn toàn vào xã hội Đức sau nhiều thập kỷ sinh sống ở đây. Điều kiện về tiếng Đức sẽ được hạ thấp và có những quy định ngoại lệ đối với những trường hợp khó khăn. Ngoài ra cũng sẽ cụ thể hóa quy định thế nào là „hội nhập vào cuộc sống xã hội Đức“ như quy định trong Luật quốc tịch./.

 
 
 

Commentaires


bottom of page